Tóm tắt:
|
DIỄN BIẾN THỊ TRƯỜNG
VN-INDEX phục hồi tăng điểm nhẹ 0,03%, kết phiên ở mức 1.049,25 điểm với thanh khoản giảm mạnh trong phiên đáo hạn phái sinh kỳ hạn tháng 04/2023. Độ rộng trên HOSE khá cân bằng với 179 mã tăng điểm (08 mã tăng trần), 176 mã giảm điểm (0 mã giảm sàn) và 72 mã giữ giá tham chiếu. HNX-INDEX tích cực hơn tăng 0,76 điểm (0,37%) lên mức 206,61 điểm, độ rộng tích cực với 94 mã tăng giá (14 mã tăng trần), 82 mã giảm giá (10 mã giảm sàn) và 53 mã giá tham chiếu.
Thanh khoản trên hai sàn niêm yết chỉ đạt 7.689,6 tỉ đồng, giảm mạnh 27,8% so với phiên trước. Trong đó thanh khoản và khối lượng giao dịch trên HOSE thấp nhất trong đầu năm trở lại đây. Nhà đầu tư nước ngoài mua ròng nhẹ với giá trị 52,98 tỉ đồng. Bán ròng nhẹ trên HNX với giá trị 0,47 tỉ đồng.
Thị trường phân hóa mạnh trong phiên giao dịch, vẫn có nhiều nhóm ngành nổi bật như nhóm thủy sản với thanh khoản trên mức trung bình như VHC (+3,17%), ANV (+2,50%), FMC (+1,05%)... Nhóm cổ phiếu chăn nuôi cũng có diễn biến tích cực nhờ giá lơn hơi có xu hướng phục hồi với DBC (+0,96%), BAF (+0,96)..., nhóm xuất khẩu lương thực cũng tăng mạnh và đang đi vào vùng quá mua ngắn hạn như TAR (+7,35%), LTG (+2,67%)...
Nhóm cổ phiếu dệt may cũng có diễn biến tích cực vượt trội đối với thị trường chung với khối lượng giao dịch đột biến mạnh như GIl (+6,97%), TNG (+5,11%), VGT (+3,60%), MSH (+2,98%), STK (+2,17%)...
Trong khi đó nhóm cổ phiếu bán lẽ chịu áp lực bán ngắn hạn sau nhiều phiên phục hồi tăng điểm với thanh khoản ở mức thấp như DGW (-2,24%), PET (+1,96%), FRT (-1,33%).... Nhóm cổ phiếu dầu khí tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh, với nhóm vận tải dầu khí nhiều mã chịu áp lực bán mạnh rất đột biến như VTO (-6,84%), VIP (-3,51%), BSR (-1,23%), PVS (-1,17%), PVC (-0,65).....
Nhóm cổ phiếu xây dựng, vật liệu xây dựng ngoài CTD tăng giá 0,57% thì đa phần đều chịu áp lực giảm điểm, tích lũy kéo dài, một số mã bị bán mạnh như VLB (-9,64%), HBC (-2,29%), LCG (-1,63%), KSB (-1,36%)...
Nhóm cổ phiếu bất động sản phân hóa trái chiều, đa số phục hồi và điều chỉnh với thanh khoản suy giảm như NDN (+9,59%), NTL (+6,86%), NBB (+1,57%)... NVL (-1,03%), SCR (-0,99%), DXG (-0,79%), CII (-0,34%)...
Nhóm cổ phiếu ngân hàng sau áp lực điều chỉnh phục hồi nhẹ với thanh khoản thấp LPB (+1,09%), HDB (+0,79%), STB (+0,78%)... ngoài ra PGB (-11,68%) giảm sâu với khối lượng giao dịch đột biến sau giai đoạn tăng giá mạnh đột biến
Trên thị trường phái sinh, kỳ hạn VN30F2304 giảm 1,1 điểm (-0,10%) và kết thúc kỳ hạn tháng 04/2023. Thị trường chuyển sang giao dịch trên kỳ hạn chính VN30F2305 với mức chênh lệch gia tăng lên -6,61 điểm so với VN30. Các kỳ hạn lớn hơn chênh lệch gia tăng lên từ -9,51 điểm đến -13,11 điểm cho thấy các trader vẫn chưa có kỳ vọng lạc quan về triển vọng tăng trưởng của VN30.
NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG
Thị trường thể hiện nỗ lực phục hồi trong phiên hôm nay giúp VnIndex chặn được đà giảm, chốt phiên VnIndex tăng nhẹ 0,27 điểm (+0,03%), dù điểm số tăng không đáng kể nhưng giúp VnIndex không thoát ra khỏi kênh tăng ngắn hạn. Chốt phiên, VnInex đóng cửa ở 1.049,25 điểm và phần nào vẫn duy trì được khả năng có thể hồi phục để duy trì xu hướng tăng, tuy nhiên nguy cơ rời khỏi kênh tăng của VnIndex vẫn đang cao khi chỉ số này gần như nằm ngay trên đường hỗ trợ. Với trạng thái hiện tại, xét theo góc nhìn ngắn hạn VnIndex vẫn có thể trở lại xu hướng tăng nếu chỉ số này có những nỗ lực phục hồi trong các phiên tới, trong trường hợp thị trường tiếp tục xấu đi thì khả năng duy trì xu hướng tăng ngắn hạn sẽ không còn được duy trì. Với trạng thái hiện tại, trong ngắn hạn rủi ro mất kênh tăng đang gia tăng nhưng không quá bi quan bởi thị trường vẫn đang duy trì được xu hướng tích lũy trung hạn chặt chẽ.
Xu hướng Trung- Dài hạn có thể thấy trên biểu đồ trạng thái vận động của VnIndex đang ngày càng chặt chẽ (VnIndex đang dần hình thành mô hình Nêm), điểm số của VnIndex kể từ đầu năm không có nhiều biến động và xoay quanh ngưỡng 1.050 điểm với biên độ giao động quanh trục 1050 ngày càng hẹp. Trạng thái tích lũy hiện tại có thể còn kéo dài do thị trường ngoài biến động hẹp thì khối lượng giao dịch cũng cạn dần và hình thành trạng thái tích lũy cạn kiệt, đây là dạng tích lũy tin cậy nhưng cần những động lực mới để bùng nổ tạo thành uptrend. Về vĩ mô có thể thấy giai đoạn hiện tại là giai đoạn rất khó đoạn định, kinh tế toàn cầu tiếp tục khó dự đoán khi môi trường Vĩ mô toàn cầu đang nhiễu bởi nhiều thông số từ lạm phát, lãi suất cao và sự suy yếu của sức mua từ Mỹ và Châu Âu, sự hình thành và phát triển mạnh mẽ của khối BRICS.... Ở trong nước xu hướng lãi suất giảm và các chính sách cứu thị trường BDS, trái phiếu có vẻ đang tạo ra niềm tin cho giới đầu tư nhưng hiệu quả thực sự cần có thời gian kiểm định. Do đó, chúng tôi nhận định xu hướng hiện mang tính chất tích lũy sẽ còn tiếp tục kéo dài trước khi thị trường có thể tạo ra một xu hướng (uptrend) thực sự mạnh mẽ.
Với nhận định thị trường như trên, chúng tôi cho rằng các nhà đầu tư ngắn ngạn nên tạm thời hạn chế giao dịch để chờ xác nhận thị trường hồi phục nhằm tránh rủi ro xu hướng tăng ngắn hạn bị thất bại. Thị trường hiện tại vẫn phù hợp cho mục tiêu giải ngân đầu tư nắm giữ trung - dài hạn (đón đầu giai đoạn bùng nổ sau tích lũy), mục tiêu giải ngân đầu tư trung, dài hạn nên hướng tới các nhóm cổ phiếu đầu ngành, các cổ phiếu đang tích lũy và không bị điều chỉnh sâu, có kỳ vọng kết quả kinh doanh tiếp tục tăng trưởng trong năm nay. Chiến lược giải ngân trung - dài hạn nên là giải ngân dần trong các giai đoạn thị trường điều chỉnh giảm.
Quý nhà đầu tư có thể tham khảo các mã cổ phiếu trong danh mục khuyến nghị đính kèm để có lựa chọn phù hợp!
|