Tóm tắt:
|
DIỄN BIẾN THỊ TRƯỜNG
VN-INDEX có phiên giao dịch đầu năm khá tích cực khi đầu phiên tạo khoảng trống tăng giá lên vùng 1.140 điểm, sau đó chịu áp lực rung lắc điều chỉnh kiểm tra lại vùng giá trung bình MA200 và phục hồi. Kết phiên VN-INDEX vượt lên vùng giá 1.130 khi tăng 1,79 điểm (+0,16%) lên mức 1.131.72 điểm với thanh khoản cải thiện. HNX-INDEX ngược lại giảm 1,05 điểm (-0,45%) về mức 229,99 điểm. Mặc dù VN-INDEX tăng điểm nhưng độ rộng trên 02 sàn niêm yết lại nghiêng về tiêu cực khi áp lực điều chỉnh gia tăng với 227 mã giảm giá (01 mã giảm sàn), 406 mã tăng giá (20 mã tăng trần), và 191 mã giữ giá tham chiếu.
Thanh khoản trên hai sàn niêm yết đạt 18.316,25 tỉ đồng được giao dịch, với khối lượng giao dịch trên HOSE tăng khá mạnh 26,09% so với phiên cuối 2022. Tuy nhiên thể hiện áp lực bán, điều chỉnh gia tăng ở nhiều mã, nhóm mã. Khối ngoại trở lại bán ròng trong phiên giao dịch đầu 2024 với giá trị bán ròng 353,14 tỉ đồng, tập bán ròng nhóm mã thép, bất động sản, dịch vụ tài chính, chứng khoán; bán ròng trên HNX với giá trị 29,25 tỷ đồng.
Thị trường đón nhận thông tin chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng - PMI ngành sản xuất Việt Nam của S&P Global đạt 48,9 điểm trong tháng 12, vẫn nằm dưới ngưỡng 50 điểm cho thấy các điều kiện kinh doanh trong ngành suy giảm tháng thứ tư liên tiếp. Tuy nhiên, nếu so với mức mức 47,3 điểm hồi tháng 11, tốc độ suy giảm của ngành sản xuất ở Việt Nam đã có dấu hiệu chậm hơn. Nhìn chung cả năm 2023, báo cáo đánh giá, sức khỏe ngành sản xuất của Việt Nam yếu trong hầu hết thời gian của năm 2023, chỉ cải thiện nhẹ trong tháng 2 và tháng 8. Kết quả chỉ số PMI trung bình của năm 2023 ở mức thấp nhất kể từ thời điểm bùng phát đại dịch COVID-19 vào năm 2020.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng có diễn biến khá tích cực trước thông tin NHNN giao toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 15% năm 2024 cho các ngân hàng. Điều này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng cung ứng nguồn vốn tín dụng đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế trong năm 2024. Đa số tăng giá khá tích cực, thanh khoản tăng mạnh vượt mức trung bình nổi bật như VCB (+3,99%), NAB (+3,27%), ABB (+2,50%), ACB (+2,30%)... ngoài các mã chịu áp lực điều chỉnh với VAB (-2,78%), HDB (-1,97%), VPB (-1,82%)....
Trong khi đó các nhóm ngành khác có mức độ phân hóa mạnh, đa số chịu áp lực điểu chỉnh như nhóm dịch vụ tài chính, chứng khoán với VIX (-4,09%), FTS (-3,14%), BSI (-2,74%), SHS (-2,12%) ..., thanh khoản gia tăng kém tích cực ngoài HCM (+3,97%) trong ngày chốt quyền phát hành và trả cổ tức.
Các cổ phiếu bất động sản cũng có diễn biến tương tự khi đa số chịu áp lực điều chỉnh, thanh khoản gia tăng như PDR (-3,05%), DIG (-2,80%), HDG (-2,17%), SCR (-2,03%)... ngoài NTL (+6,96%), NDN (+1,03%), ITC (+0,93%)... Nhóm cổ phiếu thép dưới áp lực bán trỏ lại của khối ngoại cũng chịu áp lực điều chỉnh, ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư với NKG (-3,65%), HSG (-2,85%), HPG (-1,79%)... Các nhóm ngành khác đa số cũng chịu áp lực điều chỉnh.
Trên thị trường phái sinh, kỳ hạn VN30F2401 giảm 1,1 điểm (-0,04%), chênh lệch dương 1,86 điểm so với VN30. Khối lượng giao dịch tăng tăng 9,76% so với phiên trước, dưới mức trung bình, khối lượng mở OI giảm, cho thấy các vị thế mua ngắn hạn vẫn gia tăng. Xu hướng ngắn hạn VN30F2401 khá tích cực khi vượt kháng cự MA200 quanh 1.124 điểm để hướng đến vùng giá 1.140 điểm - 1.145 điểm. Các kỳ hạn VN30F2402, VN30F2403, VN30F2406 chênh lệch dương gia tăng từ 2,06 điểm đến -1,54 điểm, thể hiện các trader vẫn lạc quan về xu hướng tăng của VN30, ưu tiên vị thế mua ngắn hạn với mức dừng lỗ theo hỗ trợ quanh 1.125 điểm và phòng ngừa rủi ro ở các kỳ hạn lớn.
NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG
Thị trường tiếp tục có phiên rung lắc trong phiên giao dịch đầu năm 2024 tuy nhiên kết thúc tăng nhẹ, VN-Index đóng cửa ở mức 1.131.72 điểm (+1,79 điểm tương ứng +0,16%). Vận động ngắn hạn của Vn-Index vẫn đang diễn ra tích cực như đã dự báo mặc dù áp lực bán ở vùng giá cao đã gia tăng so với các phiên trước đó. Nếu vượt qua được áp lực tại vùng 1.130 điểm, chúng tôi kỳ vọng VN-Index có thể hướng tới ngưỡng kháng cự mạnh quanh vùng 1.150 điểm. Nhà đầu tư ngắn hạn nên duy trì tỷ trọng thấp khi Vn-Index đang dần tiệm cận các ngưỡng cản và có thể tiếp tục có những rung lắc, điều chỉnh.
Xét về trung hạn, VnIndex duy trì xu hướng hình thành nền tích lũy mới khả năng trong khu vực 1.100 điểm - 1.150 điểm. Trong trường hợp tích cực hơn, VnIndex có thể tích lũy trong vùng cao hơn 1.150 điểm - 1.250 điểm. Dữ liệu PMI tháng 12 mới công bố cho thấy hoạt động của các doanh nghiệp nhìn chung vẫn gặp nhiều khó khăn khi số lượng đơn hàng mới và sản lượng đều vẫn đang trong xu hướng suy giảm trong bối cảnh chi phí đầu vào tăng đáng kể và giá bán hàng chỉ tăng nhẹ. Việc NHNN đặt định hướng tăng trưởng tín dụng 15% trong năm 2024 (cao hơn so với chỉ tiêu 2023) cũng cho thấy kỳ vọng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế sẽ được cải thiện trong năm nay, qua đó thúc đẩy tăng trưởng để có thể đạt được mục tiêu GDP tăng 6% - 6,5% như Quốc Hội đã thông qua. Tuy vậy, các chính sách sẽ cần thời gian để phát huy tác dụng trên thực tiễn, trong giai đoạn hiện tại việc thị trường chứng khoán tích lũy là phù hợp. Nhà đầu tư trung, dài hạn nắm giữ danh mục và có thể tiếp tục chiến lược giải ngân dần vào các mã mục tiêu trong các nhịp điều chỉnh.
Quý nhà đầu tư có thể tham khảo các mã cổ phiếu trong danh mục khuyến nghị đính kèm để có lựa chọn phù hợp!
|