Tóm tắt:
|
DIỄN BIẾN THỊ TRƯỜNG
Sau phiên giao dịch giằng co hôm qua thị trường tiếp tục có một phiên giao dịch đi ngang cùng thanh khoản yếu, kết phiên VN-INDEX -0,06 điểm (0%) tại mốc 1.230,36 điểm. HNX-INDEX kết phiên tại mốc 229,68 điểm (-0,5 điểm, tương ứng -0,22%). Độ rộng thị trường nghiêng về bên bán với 188 cổ phiếu giảm giá, 126 cổ phiếu tăng giá, 56 cổ phiếu tham chiếu tại HOSE. HNX giao dịch với 93 cổ phiếu giảm giá, 58 cổ phiếu tham chiếu và 59 cổ phiếu tăng giá.
Thanh khoản trên cả 2 sàn giảm so với phiên giao dịch trước đó khi khối lượng khớp lệnh -9,2% tại HOSE và -7,4% tại HNX. Khối ngoại phiên hôm nay tiếp tục đà mua ròng với +660,37 tỷ đồng tại HOSE tập trung mua ròng mã KDC (+458,5 tỷ), MSN (+218,6 tỷ), HDB (+197 tỷ) và TCH (+51,1 tỷ)...ở chiều ngược lại, bán ròng HPG (-93,9 tỷ), VHM (-46,4 tỷ)... Cùng với đó, bán ròng từ khối ngoại cũng diễn ra trên sàn HNX với -7,68 tỷ đồng, tập trung tại các mã TNG (-7,8 tỷ), MBS (-6,8 tỷ) và IDC (-4,1 tỷ), chiều mua ròng nổi bật với PVS (+13,6 tỷ), NTP (+6,9 tỷ), BCC (+0,7 tỷ)...
Sáng 14/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chủ trì họp Thường trực Chính phủ với các Bộ, ngành để nghe, thảo luận xây dựng các dự án luật thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính. Thủ tướng nhấn mạnh việc xây dựng pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 8; yêu cầu các bộ ngành, cơ quan ưu tiên dành thời gian, nguồn lực cho công tác này với tinh thần “làm ngày không đủ tranh thủ làm đêm”, bố trí các cán bộ có đủ năng lực, tâm huyết, trách nhiệm, khen thưởng, kỷ luật kịp thời; trình Chính phủ xem xét, quyết định để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8, tháng 10/2024, bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, mong muốn của nhân dân.
Hầu hết các nhóm ngành hôm nay đều diễn ra với sự phân hóa. Ghi nhận nhóm cổ phiếu Thực Phẩm và Đồ Uống phiên hôm nay có MSN (+2,27%), KDC (+0,18%), VNM (+0,27%), SAB (+2,58%) tuy nhiên DBC (-2,35%), MCG (-0,3%)... Cùng với đó là sắc xanh đỏ đan xen ở ngành Bất Động Sản Dân Cư cũng như Bất Động Sản Khu Công Nghiệp với sắc xanh từ VHM (+2,34%), TCH (+2,71%), VRE (+3,15%), BCM (+1,12%), KBC (+0,4%)... cùng với sắc đỏ từ PDR (-1,38%), HDG (-1,5%), NTL (-1,89%), DXG (-2,23%), IDC (-1%), VGC (-1,2%)...
Nhóm cổ phiếu Hoá Chất, Phân Bón và Cao Su đan xen cả sự tích cực lẫn tiêu cực với DCM (+0,14%), DPM (+0,84%), BFC (+0,66%)... các cổ phiếu như DPR và VTZ tham chiếu (0%), cổ phiếu DGC (-1,28%), CSV (-3,29%), LAS (-1,57%), PHR (-0,18%)...
Nhóm Bảo Hiểm cũng giao dịch tăng giảm đan xen với BVH (+1,17%), ABI (+0,29%), VNR (+0,4%)... tuy nhiên MIG (-1,65%), PVI (-0,77%), PGI (-3,82%), PTI (-5,28%)...
Ngoài nhóm Bảo Hiểm, một nhóm cổ phiếu khác cũng có diễn biến tương tự là Ngân Hàng tiêu biểu như TCB (+0,95%), SSB (+1,41%), BID (+0,86%)... kết hợp với HDB (-0,19%), VPB (-0,83%), MBB (-0,85%), VCB (-1,68%)... Nhóm Chứng Khoán sắc đỏ bao phủ với VIX (-2,2%), BSI (-2,71%), VND (-1,7%), FTS (-1,6%)...kết hợp cùng SHS (+0,65%), DSC (+3,7%)...
Trên thị trường phái sinh, kỳ hạn VN30F2408 tăng +1 điểm (+0,1%), đóng cửa tại 1.268 điểm, chênh lệch -2,38 điểm so với VN30. Các kỳ hạn xa hơn là VN30F2409 VN30F2412 VN30F2503 chênh lệch từ +0,62 điểm đến +3,02 điểm so với VN30. Tổng khối lượng hợp đồng giao dịch -10% so với phiên trước, và thấp hơn mức trung bình 20 phiên. Xu hướng ngắn hạn của VN30F2408, khả năng tiếp tục dao động trong biên 1.220 - 1.280 điểm. Khối lượng mở OI hôm nay là 35.365 giảm nhiều so với phiên gần nhất là 44.696 cho thấy xu hướng tất toán các vị thế nắm giữ khi ngày mai là phiên giao dịch đáo hạn hợp đồng tháng 8.
CHIẾN LƯỢC ĐẦU TƯ
VN-INDEX đã tiếp tục phục hồi kiểm tra lại vùng giá quanh 1.240 điểm, trong khi VN30 vùng kháng cự quanh 1.280 điểm và chịu áp lực cơ cấu danh mục như dự kiến. Kết phiên VN-INDEX giảm nhẹ 0,06 điểm về mức 1.230,36, dưới vùng kháng cự gần nhất hiện nay 1.235 điểm tương ứng đường giá trung bình 20 phiên. Khối lượng giao dịch VN-INDEX trong phiên hôm nay giảm -9,24% chỉ đạt khoảng 60-65% mức trung bình, cho thấy áp lực điều chỉnh, cơ cấu danh mục ở nhiều mã tương đối bình thường, trong khi một số mã chất lượng tốt vẫn phục hồi tích cực. VN30 tăng nhẹ 1,66 điểm lên mức 1.270,38 điểm, dưới vùng kháng cự 1.275 điểm.
Xu hướng ngắn hạn của VN-INDEX vẫn chưa thoát khỏi đường xu hướng giảm giá kéo dài nối các vùng đỉnh từ tháng 7/2024 và tháng 8/2024, điểm tích cực là tâm lý thị trưởng cải thiện hơn, tuy nhiên mức độ phân hóa cao khi chỉ có số ít mã có tích lũy tốt, có diễn biến tích cực vượt trội. Hiện tại VN-INDEX đang gặp kháng cự quanh 1.235 điểm tương ứng đường giá trung bình 20 phiên. VN-INDEX vẫn chịu áp lực điều chỉnh kiểm tra lại vùng giá 1.220 điểm-1.225 điểm, tương ứng vùng giá thấp các phiên giảm điểm mạnh ngày 24/07 và 01/08/2024. Trường hợp tích cực, xu hướng ngắn hạn của VN-INDEX chỉ có thể cải thiện khi vượt lên đường giá trung bình 20 phiên với thanh khoản cải thiện tốt, cũng như vượt lên đường xu hướng giảm giá ngắn hạn hiện nay (theo hình).
Xu hướng trung hạn VN-INDEX vẫn duy trì tích lũy trong vùng 1.180 điểm - 1.200 điểm đến 1.245 điểm - 1.255 điểm, nửa dưới của kênh tích lũy lớn hơn từ 1.180 điểm - 1.200 điểm đến 1.300 điểm - 1.320 điểm. Trong đó 1.200 điểm là vùng giá cao nhất năm 2018, 1245 điểm - 1255 điểm vùng giá cao nhất năm 2023 và là vùng cân bằng của kênh tích lũy 1.180 điểm - 1.200 điểm đến 1.300 điểm - 1.320 điểm. Nếu VN-INDEX có thể vượt lên lại kháng cự quanh 1.250 điểm thì vẫn kỳ vọng xu hướng trung hạn quay trở lại kênh tích lũy 1.250 điểm - 1.300 điểm.
Trong ngắn hạn, thị trường sẽ phụ thuộc lớn vào triển vọng tăng trưởng của các doanh nghiệp, tăng trưởng GDP. Nhà đầu tư ngắn, trung hạn nên duy trì tỉ trọng hợp lý, xem xét cơ cấu danh mục các mã yếu kém hơn thị trường chung nếu có. Đối với các trường hợp gia tăng vượt mức trung bình nên chờ chỉ số VN-INDEX thoát khỏi xu hướng tích lũy trung hạn kéo dài và xu hướng giảm giá ngắn hạn hiện nay.
Quý nhà đầu tư có thể tham khảo các mã cổ phiếu trong danh mục khuyến nghị đính kèm để có lựa chọn phù hợp.
|