Tóm tắt:
|
DIỄN BIẾN THỊ TRƯỜNG
Sau tuần tăng điểm trước, VN-Index phiên hôm nay mở cửa với sắc xanh +5,37 điểm và sau đó giao dịch khá tích cực với thanh khoản phiên sáng tăng +25,3%. Phiên chiều áp lực bán gia tăng từ 14h00, tương đồng với diễn biến 04 phiên giao dịch trước, khiến cho VN-INDEX vẫn chưa thể bứt phá được mốc 1.300. Đóng cửa VN-Index tăng 3,09 điểm (+0,24%), chốt tại 1.290,67 điểm, HNX đóng phiên tại 245,58 điểm (+0,59 điểm, tương ứng +0,24%). Về độ rộng thị trường, toàn sàn HOSE vận động với 187 mã tăng giá, 42 mã tham chiếu và 144 mã giảm giá. HNX giao dịch với 106 mã tăng giá, 69 mã tham chiếu và 66 mã giảm giá.
Thanh khoản trên cả 2 sàn cải thiện so với phiên giao dịch trước đó khi khối lượng giao dịch (không bao gồm thỏa thuận) tăng 28,8% tại HOSE và +24,5% tại HNX, tuy nhiên vẫn thấp hơn so với trung bình 1 tuần qua (lần lượt thấp hơn -17,4% và -7,7%). Khối ngoại phiên hôm nay duy trì bán ròng -1.104,89 tỷ đồng tại HOSE tập trung tại các mã FPT (-172,038 tỷ), HPG (-118,242 tỷ), VNM (-100,164 tỷ), VCB (-92,602 tỷ) và SSI (-83,688 tỷ), ngược lại ở chiều mua ròng là FRT (+44,816 tỷ), STB (+38,219 tỷ), GVR (+30,811 tỷ). Tại sàn HNX, khối ngoại nay tiếp tục bán ròng với -162,5 tỷ đồng, điển hình nhất là mã LHG (-127,077 tỷ), bên cạnh đó là các mã SHS (-23,5 tỷ), PVS (-14 tỷ)...
Thị trường đón nhận thông tin giá cước vận tải biển thế giới tăng cao, điển hình là chỉ số Container Thế giới của Drewry (WCI) đã tăng 12% lên 4.716 USD/container 40 feet (FEU) trong tuần từ ngày 30/5 tới ngày 6/6 và tăng 181% so với cùng kỳ năm ngoái. Đồng thời cảng Singapore - cảng container lớn thứ hai thế giới đang rơi vào tình trạng tắc nghẽn đột biến do tác động dây chuyền từ cuộc khủng hoảng hàng hải ở Biển Đỏ buộc các hãng tàu conatiner phải thay đổi lịch trình. Nhóm cổ phiếu cảng biển, logistics trước những thông tin này đồng loạt tăng mạnh trong đó nhiều mã tăng hết biên độ với thanh khoản đột biến như HAH (+6,89%), VOS (+6,96%), DXP (+9,35%), SGP (+14,67%) bên cạnh VSC (+4,41%), GMD (+4,2%), PVT (+5,56%)…
Bên cạnh đó, sắc xanh phiên hôm nay cũng có sự đóng góp từ nhóm cao su khi giá giao dịch phiên hôm nay tại Nhật tiếp tục tăng lên 354 Yên/kg, gần mức đỉnh trong vòng 1 năm qua đó gia tăng triển vọng tích cực của các doanh nghiệp trong ngành, cổ phiếu tích cực nhất là DPR tăng kịch trần ấn tượng (6,98%) bên cạnh GVR (3,43%), PHR (+2,89%).
Nhóm cổ phiếu Bán Lẻ, Công Nghệ Thông Tin cũng tăng điểm tốt trong phiên hôm nay, cụ thể như MWG (+1,45%), FRT (+1,47%), FPT (+1,41%) và CMG (+1,61%)… Nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng chứng kiến hầu hết các mã tăng giá trong phiên hôm nay như VDS (+7%), AGR (+2,29%), BVS (+1,5%)…
Nhóm cổ phiếu Ngân Hàng hôm nay có sự phân hóa với CTG dẫn dắt tăng điểm (+2,13%), TPB (+1,38%), STB(+1,14%) trong khi EIB (-1,26%), ACB (-0,81%)...Diễn biến tương tự cũng diễn ra với các ngành xây dựng với TV2 (+6,63%) hay NTL (+3,65%), HDG (+1,76%) tại nhóm bất động sản trong khi các mã khác trong ngành giảm điểm.
Ở chiều ngược lại, các cổ phiếu Bảo Hiểm giảm điểm trong phiên ngày hôm nay với MIG (-2,08%), PGI (-3,41%), BMI (-0,75 %)...
Trên thị trường phái sinh, kỳ hạn VN30F2406 tăng +2,9 điểm (+0,22%), đóng cửa tại 1.310,9 điểm, chênh lệch -0,2 điểm so với VN30 cho thấy nhà đầu tư vẫn đang bám theo rất sát thị trường cơ sở. Tổng khối lượng hợp đồng giao dịch -24,5% so với phiên gần nhất, thấp hơn mức trung bình 20 phiên, củng cố trạng thái tâm lý do dự ở giai đoạn này. Xu hướng ngắn hạn của VN30F2406 vẫn là vận động trong biên độ 1.280 điểm - 1.320 điểm. Các kỳ hạn xa hơn là VN30F2407 VN30F2409 VN30F2412 chênh lệch từ -0,1 điểm đến +1,5 điểm so với VN30. Khối lượng mở OI hôm nay là +53.062 hợp đồng, ít hơn so với phiên gần nhất là -5,76% cho thấy xu hướng giảm bớt các vị thế nắm giữ.
CHIẾN LƯỢC ĐẦU TƯ
Sau tuần giao dịch tăng điểm vượt lên vùng giá 1.285 điểm, tương ứng kháng cự mạnh trong tháng 05/2024, VN-INDEX có phiên giao dịch đầu tuần duy trì tăng điểm hướng đến vùng kháng cự mạnh quanh 1.295 điểm, tương ứng giá cao nhất tháng 03/2024 và tháng 08/2022. Áp lực rung lắc vẫn gia tăng ở vùng kháng cự này tương tự những phiên cuối tuần trước. Kết phiên VN-INDEX tăng 3,09 điểm (+0,24%) lên mức 1.290,67 điểm.
Trong tuần này, sự chú ý của nhà đầu tư sẽ tập trung vào cuộc họp chính sách của FED diễn ra vào ngày 13/06 trong đó những nhận định của FED về xu hướng lãi suất trong giai đoạn tới và quan điểm về lạm phát mục tiêu +2% sẽ được quan tâm nhiều. Lãi suất điều hành dự báo sẽ không thay đổi trong lần họp này và vẫn duy trì ở 5,25% - 5,5%.
VN-INDEX trong ngắn hạn đang hướng đến vùng giá 1.300 điểm. Đây là vùng kháng cự mạnh của chỉ số hiện tại. Áp lực bán vẫn duy trì ở mức cao và chịu ảnh hưởng lớn của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, ngân hàng khi VN30 cũng đang gặp kháng cự tại vùng giá 1.317 điểm - 1.325 điểm (giá cao nhất tháng 04/2024). Đây là vùng kháng cự rất mạnh, để có thể vượt qua cần thêm hỗ trợ của các yếu tố vĩ mô cũng như kỳ vọng kết quả kinh doanh tích cực của nhóm cổ phiếu lớn, ngân hàng. Trong kịch bản không thể bứt phá lên trên vùng kháng cự, xu hướng ngắn hạn của chỉ số sẽ là tiếp tục dao động trong vùng 1.250 điểm – 1.300 điểm.
Xu hướng trung hạn của VN-INDEX duy trì tích lũy trong kênh rộng 1.180 -1.200 điểm đến 1.300 điểm, mở rộng lên 1.320 điểm. Trong đó 1.200 điểm là vùng giá cao nhất năm 2018, 1.300 -1.320 điểm là vùng giá cao nhất tháng 06, 08/2022. Điểm cân bằng của kênh tích lũy trung hạn là vùng 1.245 -1.255 điểm, tương ứng vùng giá cao nhất năm 2023.
VN-Index vẫn đang gặp khó tại ngưỡng kháng cự mạnh tuy nhiên thị trường đang có xu hướng xoay vòng, gia tăng vào các mã/nhóm mã chưa tăng nhiều, với kỳ vọng tiếp tục phục hồi lên lại vùng giá cao nhất tháng 03/2024 tương tự VN-INDEX, phù hợp các vị thế ngắn hạn. Nhà đầu tư ngắn hạn đã giải ngân như khuyến nghị nên tiếp tục nắm giữ danh mục và hạn chế mua đuổi ở vùng giá cao. Nhà đầu tư trung - dài hạn tiếp tục theo dõi diễn biến thị trường, vì đây không phải là vùng giá hấp dẫn.
Quý nhà đầu tư có thể tham khảo các mã cổ phiếu trong danh mục khuyến nghị đính kèm để có lựa chọn phù hợp.
|