Tóm tắt:
|
DIỄN BIẾN THỊ TRƯỜNG
VN-INDEX phiên giao dịch hôm nay tiếp tục chịu áp lực giảm điểm, áp lực bán mạnh hơn trong phiên chiều khi không giữ được vùng giá hỗ trợ 1.040 điểm. Kết phiên VN-INDEX giảm 6,51 điểm (-0,63%) về mức 1.034,85 điểm với khối lượng giao dịch, thanh khoản gia tăng, thể hiện áp lưc bán mạnh hơn. Độ rộng trên HOSE tiêu cực với 247 mã giảm điểm (06 mã giảm sàn), 119 mã tăng điểm (07 mã tăng trần) và 58 mã giữ giá tham chiếu. HNX-INDEX giảm mạnh hơn 2,07 điểm (-1,00%) về 204,69 điểm, độ rộng tiêu cực với 110 mã giảm giá (09 mã giảm sàn), 53 mã tăng giá (06 mã tăng trần) và 65 mã giá tham chiếu.
Thanh khoản trên hai sàn niêm yết đạt 10.586,31 tỉ đồng tăng so với phiên giao dịch trước thể hiện khá nhiều mã chịu áp lực bán mạnh, khối lượng gia tăng đột biến. Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng với giá trị 140,34 tỉ đồng. Bán ròng trên HNX với giá trị 4,16 tỉ đồng.
Nhóm mã chịu áp lực điều chỉnh mạnh nhất là nhóm chứng khoán sau khi đã có nhịp tăng giá mạnh trên nền thanh khoản của thị trường chung vẫn chưa cải thiện như CTS (-6,98%), VDS (-6,88%), AGR (-6,61%), MBS (-6,32%) ...
Nhóm ngân hàng vẫn tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh với thanh khoản ở dưới mức trung bình, ảnh hưởng đến thị trường chung với LPB (-2,24%), HDB (-2,13%), STB (-1,96%), TCB (-1,69%)...
Nhóm cổ phiếu bất động sản phân hóa, đa phần nhiều mã chịu áp lực điều chỉnh với thanh khoản gia tăng hơn với DIG (-4,14%), NVL (-2,14%), IJC (-1,85), DXG (-1,57%) ngoài ra một số mã tăng giá như SJS (2,44%), HDC (+1,53%), HDG (+ 0,63%)...
Nhóm mã xây dựng tiếp tục xu hướng điều chỉnh, tích lũy nhiều mã sau giai đoạn tăng giá mạnh như CTD bắt đầu chiụ áp lực điều chỉnh, với CTD (-1,36%), C4G (-3,33%), HHV (-1,17%), VCG (-0,53%)...
Trong khi đó nhóm cổ phiếu thép tăng với thanh khoản cải thiện mạnh khi HPG có thông tin về kết quả kinh doanh Quí I đã cải thiện trở lại. Cụ thể như HPG (+1,94%), TVN (+4,00%), HSG (+2,40%), NKG (+1,81%)...
Ngoài ra vẫn có một số nhóm mã cải thiện tăng giá tốt hơn thị trường chung với thanh khoản cải thiện mạnh như nhóm Logistic cụ thế như HAH (+6,96%), VOS (+6,66%), SGP (+4,80%), VSC (+1,25%)...
Đa phần còn lại chịu áp lực điều chỉnh, tích lũy với thanh khoản dưới mức trung bình khi tâm lý thị trường đang thận trọng trước kỳ nghĩ lễ kéo dài sắp đến.
Trên thị trường phái sinh, kỳ hạn VN30F2305 giảm 10,2 điểm (-0,98%), mức chênh lệch gia tăng lên -6,34 điểm so với VN30. Các kỳ hạn lớn hơn chênh lệch từ -8,34 điểm đến -10,94 điểm. Cho thấy các trader vẫn chưa có kỳ vọng lạc quan về triển vọng tăng trưởng của VN30. Tuy nhiên kỳ hạn VN30F2312 có mức chênh lệch âm ít hơn kỳ hạn VN30F2309, có thể cho thấy thị trường đang kỳ vọng phục hồi ở vùng quanh 1.026 điểm.
NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG
Đà giảm của thị trường tiếp tục gia tăng trong phiên hôm nay khi nỗ lực phục hồi của VnIndex không thành mặc dù chỉ số này đã chạm đường hỗ trợ của kênh tăng ngắn hạn. Kết thúc phiên VnIndex đóng cửa ở 1.034,85 điểm (-6,51 điểm, -0,63%), phiên giảm điểm hôm nay gần như kết thúc kỳ vọng về một đợt hồi phục tiếp theo. Với trạng thái hiện tại VnIndex đã thoát khỏi kênh tăng ngắn hạn và nằm dưới đường MA20, theo góc nhìn ngắn hạn VnIndex không thể tạo ra xu hướng tăng cụ thể mà chỉ vận động swing không định hướng. Trong ngắn hạn mặc dù xu hướng tăng khó tiếp tục diễn ra nhưng cũng không quá bi quan bởi thị trường vẫn đang duy trì được xu hướng tích lũy trung hạn chặt chẽ.
Xu hướng Trung- Dài hạn có thể thấy trên biểu đồ trạng thái vận động của VnIndex đang ngày càng chặt chẽ (VnIndex đang dần hình thành mô hình Nêm), điểm số của VnIndex kể từ đầu năm không có nhiều biến động và xoay quanh ngưỡng 1.050 điểm với biên độ giao động quanh trục 1050 ngày càng hẹp. Trạng thái tích lũy hiện tại có thể còn kéo dài do thị trường ngoài biến động hẹp thì khối lượng giao dịch cũng cạn dần và hình thành trạng thái tích lũy cạn kiệt và cuối quá trình tích lũy này có thể tạo ra một đợt Uptrend mới. Tình hình Vĩ mô trong giai đoạn hiện tại cũng không có nhiều điểm tích cực, kinh tế toàn cầu tiếp tục khó dự đoán khi các thông số của các nền kinh tế lớn như Mỹ, Châu Âu đang không tích cực và thiếu ổn định, nền kinh tế trong nước cũng đang đối diện với nhiều nguy cơ giảm tốc độ tăng trưởng khi sức mua toàn cầu đã giảm đi, rủi ro thị trường BDS, Trái phiếu vẫn hiện hữu.... Do đó, chúng tôi nhận định xu hướng hiện mang tính chất tích lũy sẽ còn tiếp tục kéo dài trước khi thị trường có thể tạo ra một xu hướng (uptrend) thực sự mạnh mẽ.
Với nhận định thị trường như trên, chúng tôi cho rằng các nhà đầu tư ngắn ngạn nên tạm thời hạn chế giao dịch để chờ xác nhận thị trường hồi phục nhằm tránh rủi ro xu hướng tăng ngắn hạn bị thất bại. Thị trường hiện tại vẫn phù hợp cho mục tiêu giải ngân đầu tư nắm giữ trung - dài hạn (đón đầu giai đoạn bùng nổ sau tích lũy), mục tiêu giải ngân đầu tư trung, dài hạn nên hướng tới các nhóm cổ phiếu đầu ngành, các cổ phiếu đang tích lũy và không bị điều chỉnh sâu, có kỳ vọng kết quả kinh doanh tiếp tục tăng trưởng trong năm nay. Chiến lược giải ngân trung - dài hạn nên là giải ngân dần trong các giai đoạn thị trường điều chỉnh giảm.
Quý nhà đầu tư có thể tham khảo các mã cổ phiếu trong danh mục khuyến nghị đính kèm để có lựa chọn phù hợp!
|