Tóm tắt:
|
ĐIỂM NHẤN THỊ TRƯỜNG
Sau khi phục hồi cuối phiên trước, VN-INDEX đầu phiên tăng lên vùng giá quanh 1.282 điểm, đỉnh giá phiên giảm mạnh 15/04/2024 và tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh mạnh hơn. Kết phiên VN-INDEX giảm 10,23 điểm (-0,80%) về mức 1.266,91 điểm với thanh khoản gia tăng và đang chịu áp lực kiểm tra lại vùng giá cao nhất năm 2023 tương ứng 1.255 điểm. HNX-INDEX vẫn duy trì tích cực tăng 1,86 điểm (+0,76%) lên mức 245,15 điểm, hướng đến đỉnh giá tháng 03/2024 quanh 245 điểm. Độ rộng thị trường trên 02 sàn giao dịch nghiêng về tiêu cực với áp lực điều chỉnh gia tăng ở vùng kháng cự mạnh khi có 371 mã giảm giá (07 mã giảm sàn), 261 mã tăng (19 mã tăng trần) và 114 mã giữ giá tham chiếu.
Giá trị khớp lệnh trên hai sàn niêm yết đạt 30.766,14 tỉ đồng được giao dịch, tăng 17,09% so với phiên trước, vượt mức trung bình cho thấy áp lực điều chỉnh đang bắt đầu gia tăng mạnh hơn và mở rộng sang nhiều mã/nhóm mã. Khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh trên sàn HOSE với giá trị 856,92 tỷ đồng, phần lớn đến từ áp lực bán ròng của quỹ Fubon khi quỹ này đang bán ròng 10 phiên liên tiếp, tập trung ở các cổ phiếu ngân hàng, bất động sản, thép trong VN30; mua ròng trên HNX với giá trị 21,83 tỉ đồng.
Ngày 21/5/2024, tại cuộc họp Phòng chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết Việt Nam mới hoàn thành tốt 1/4 nhóm khuyến nghị từ phía Ủy ban châu Âu (EC), 3 nhóm nội dung còn lại đều còn hạn chế. Lần kiểm tra thứ 5 tới đây của EC, dự kiến trong tháng 9 hoặc 10 là cơ hội cuối cùng của Việt Nam, bởi Nghị viện châu Âu sắp bầu cử. Nếu không thể gỡ thẻ vàng dịp này, chúng ta sẽ phải chờ khoảng 3 năm nữa để đón đoàn kiểm tra tiếp theo.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng ảnh hưởng kém tích cực đến chỉ số khi hầu hết đều giảm điểm, thanh khoản gia tăng mạnh hơn với ABB (-6,59%), VPB (-2,66%), CTG (-1,93%), VIB (-1,77%)... ngoài NVB (+9,47%) tăng giá đột biến, VAB (+2,00%), LPB (+1,97%)... Các cổ phiếu dịch vụ tài chính cũng phân hóa, đa số tăng điểm rất tốt trong đầu phiên, sau đó chịu áp lực bán, điều chỉnh cuối phiên, tuy nhiên nhiều mã vẫn tăng giá tốt, thanh khoản khá đột biến như HCM (+2,69%), DSC (+2,32%), VDS (+1,82%)... ngoài các mã giảm giá với VCI (-1,57%), CSI (-1,07%), CTS (-1,03%)...
Mặc dù VN-INDEX đang chịu áp lực điều chỉnh, tích lũy khi gặp vùng kháng cự mạnh, tuy nhiên thị trường vẫn duy trì nhiều mã/nhóm mã tăng giá tốt, có tính chất luân chuyển như nhóm bất động sản, khu công nghiệp với nhiều mã tăng giá mạnh, thanh khoản đột biến với CSC (+9,80%), DTD (+9,74%), FIR (+6,99%), HDC (+6,84%), VRC (+6,77%)... ngoài các mã chịu áp lực điều chỉnh khá mạnh như QCG (-3,85%), AGG (-3,44%), TCH (-2,77%)...
Nhóm cổ phiếu dầu khí cũng có diễn biến khá nổi bật, tập trung ở các mã chưa tăng nhiều, trên sàn upcom khi tăng giá mạnh, thanh khoản rất đột biến như BSR (+8,00%), OIL (+7,07%), PVC (+3,11%)... ngoài các mã chịu áp lực điều chỉnh, thanh khoản gia tăng trên mức trung bình PVT (-2,68%), VTO (-1,97%), PVB (-1,95%)... Các mã phân bón vẫn duy trì xu hướng khá tích cực với BFC (+3,76%), LAS (+0,44%).. ngoài DDV (-3,06%), DCM (-0,13%)...
Một số nhóm chịu áp lực điều chỉnh như chăn nuôi với HAG (-4,70%), DBC (-2,00%)..thủy sản VHC (-2,06%), ANV (-1,40%)... dệt may với MSH (-3,04%), VGT (-2,50%), TNG (-2,29%)... xây dựng, vật liệu xây dựng như FCN (-2,52%), KSB (-1,55%), VCG (-1,52%), CTD (-1,51%)...
Trên thị trường phái sinh, kỳ hạn VN30F2406 giảm mạnh 19,9 điểm (-1,52%), chênh lệch dương 0,74 điểm so với VN30. Khối lượng giao dịch tăng mạnh 32,35% so với phiên trước, trên mức trung bình. Cho thấy các vị thế bán, phòng ngừa rủi ro gia tăng mạnh vượt mức khi VN30 biến động mạnh và không giữ được vùng giá cao nhất tháng 03/2024 quanh 1.295 điểm -1.305 điểm. Xu hướng ngắn hạn VN30F2406 chuyển sang điều chỉnh tích lũy với vùng hỗ trợ gần nhất quanh 1.285 điểm, kháng cự vùng đỉnh giá cao nhất tháng 03/2024. Các kỳ hạn VN30F2407, VN30F2409, VN30F2412 chênh lệch từ -2,04 điểm đến -0,16 điểm so với VN30 cho thấy các trader đang kết thúc kỳ vọng lạc quan ngắn hạn và gia tăng phòng ngừa rủi ro ngắn hạn với VN30.
CHIẾN LƯỢC ĐẦU TƯ
VN-INDEX tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh mạnh hơn khi gặp vùng kháng cự mạnh 1.282 điểm - 1.287 điểm tương ứng với vùng điểm số trước khi giảm mạnh cũng như vùng giá cao nhất tháng 09/2022. Đóng cửa VN-INDEX giảm 10,23 điểm (-0,80%) về mức 1.266,91 điểm và đang có xu hướng chịu áp lực kiểm tra lại vùng giá cao nhất năm 2023 quanh 1.250 điểm.
Trong ngắn hạn, sau khi VN-INDEX vượt lên trên vùng kháng cự mạnh 1.250 điểm để quay trở lại kênh giá 1.250 điểm -1.300 điểm, chỉ số đang chịu áp lực kiểm tra lại vùng dưới của kênh giá này. Thị trường vẫn luân phiên phục hồi với các mã/ nhóm mã chưa tăng nhiều, có vùng giá dưới hay tương đương VN-INDEX 1.250 điểm.
Xu hướng trung hạn của VN-INDEX trở lại kênh tích lũy 1.250 điểm - 1.300 điểm sau nhịp giảm điểm mạnh. Trong ngắn hạn VN-INDEX đang chịu áp lực điều chỉnh, tích lũy để kiểm tra lại vùng giá cao nhất năm 2023 tương ứng quanh 1.250 điểm. Trường hợp tích cực nếu VN-INDEX phục hồi tốt ở vùng hỗ trợ này thì vẫn kỳ vọng sẽ quay trở lại vùng giá quanh 1.282 điểm tương ứng giá cao nhất phiên giảm mạnh 15/04/2024.
VN-INDEX đang có diễn biến rung lắc như dự kiến sau khi vượt lên kháng cự mạnh 1.250 điểm với đặc điểm thị trường ngắn hạn là đang luân phiên phục hồi với các nhóm mã vốn hóa trung bình, nhỏ với kỳ vọng phục hồi lên lại vùng giá đỉnh tháng 03/2024 tương tự chỉ số VN30 khi VN-INDEX đã vượt lên vùng 1.250 điểm. Thị trường vẫn dang duy trì những vị thế ngắn hạn tốt đối với các mã chưa phục hồi nhiều, phù hợp các vị thế ngắn hạn. Nhà đầu tư ngắn hạn đã giải ngân theo chúng tôi khuyến nghị tiếp tục nắm giữ danh mục và hạn chế mua đuổi. Nhà đầu tư trung - dài hạn tiếp tục nắm giữ danh mục và nên chờ nhịp điều chỉnh nếu muốn giải ngân thêm do mặt bằng giá hiện tại không còn quá hấp dẫn.
Quý nhà đầu tư có thể tham khảo các mã cổ phiếu trong danh mục khuyến nghị đính kèm để có lựa chọn phù hợp.
|