Tóm tắt:
|
ĐIỂM NHẤN THỊ TRƯỜNG
Sau khi VN-INDEX tăng giá tích cực phiên thứ 7 liên tiếp. Trong phiên hôm nay VN-INDEX tiếp tục tăng điểm lên gần vùng giá 1.300 điểm và bắt đầu chịu áp lực điều chỉnh bán ngắn hạn sau giai đoạn tăng giá mạnh dần hơn trong phiên chiều. Kết phiên VN-INDEX giảm 7,77 điểm (-0,60%) về mức 1.285,94 điểm. Đây là phiên điều chỉnh đầu tiên khi VN-INDEX đã phục hồi tốt từ vùng giá 1.240 điểm. HNX-INDEX kết phiên giảm 1,12 điểm (-0,46%) về mức 244,54 điểm. Độ rộng thị trường chuyển sang tiêu cực với áp lực bán gia tăng ở nhiều mã khi có 201 cổ phiếu giảm giá (01 mã giảm sàn), 125 cổ phiếu tăng giá (11 cổ phiếu tăng trần) và 52 cổ phiếu giữ giá tham chiếu tại HOSE. HNX với 92 cổ phiếu giảm giá (02 cổ phiếu giảm sàn), 58 cổ phiếu tăng giá (06 cổ phiếu tăng trần) và 76 cổ phiếu giữ giá tham chiếu.
Thanh khoản trên 2 sàn giao dịch đạt 23.310,04 tỉ đồng, giảm nhẹ so với phiên trước. Trong đó khối lượng khớp lệnh giảm 10,47% tại HOSE và 12,60% tại HNX, cho thấy áp lực điều chỉnh đang khá bình thường. Khối ngoại tiếp xu hướng bán ròng trên HOSE với giá trị 1.041,53 tỷ đồng hôm nay, tập trung ở các mã trong VN30 như ngân hàng, bán lẻ... Trên sàn HNX khối ngoại bán ròng nhẹ 3,51 tỷ đồng.
Hàng dệt may, da giày, điện tử Việt Nam có thể bị áp dụng phòng vệ thương mại tại Indonesia. Theo Thương vụ Việt Nam tại Indonesia, Bộ trưởng Bộ Thương mại Indonesia Zulkifli Hasan cho biết: Chính phủ Indonesia tái khẳng định cam kết bảo vệ ngành dệt may trong nước trước làn sóng hàng nhập khẩu dệt may tràn ngập thị trường nội địa, gây sức ép to lớn lên ngành dệt may, khiến cho lực lượng lao động ngành dệt may bị sa thải hàng loạt. Tổng thống Joko Widodo đã chuẩn thuận chính sách bảo vệ ngành dệt may, theo đó sẽ có ít nhất có 2 biện pháp sẽ áp dụng, đó là áp thuế chống bán phá giá và thuế tự vệ; các mức thuế tự vệ có thể từ mức 100 - 200%.
Nhóm cổ phiếu dệt may chịu áp lực điều chỉnh trong phiên hôm nay, thanh khoản ở mức trung bình như GIL (-1,75%), MSH (-1,62%), PPH (-1,27%), VGT (-1,14%), TNG (-0,72%)... ngoài các mã tăng giá nhẹ với HTG (+0,80%), STK (+0,30%)...
Sau phiên phục hồi tốt, nhóm cổ phiếu ngân hàng lại chịu áp lực điều chỉnh khi hầu hết đều giảm điểm, thanh khoản dưới mức trung bình như LPB (-2,35%), STB (-1,65%), BID (-1,26%), HDB (-1,19%)... ngoài các mã tăng giá, thanh khoản gia tăng khá tích cực với BVB (+2,42%), EIB (+1,06%), MBB (-0,65%)... Các cổ phiếu dịch vụ tài chính, chứng khoán đa số cũng giảm điểm với CSI (-2,41%), TVS (-2,40%), VDS (-1,93%), BSI (-1,72%) ... thanh khoản dưới mức trung bình.
Nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp, cao su sau phiên tăng giá tốt đã chịu áp lực điều chỉnh khá mạnh sau gian đoạn tăng giá như DRI (-3,65%), GVR (-2,63%), PHR (-2,34%), BCM (-2,10%)... ngoài SIP (+2,65%) tăng giá.
Trong khi đó điểm nổi bật trong thị trường hôm nay là nhóm cổ phiếu bất động sản, khi nhiều mã tăng giá tốt, thanh khoản giá đột biến, nổi bật với NTL (+6,81%), AGG (+4,94%), ITC (+4,60%), HDG (+4,60%), CSC (+3,91%)...
Trên thị trường phái sinh, kỳ hạn VN30F2407 giảm 10,5 điểm (-0,80%) đóng cửa tại 1.310,00 điểm, chênh lệch -0,91 điểm so với VN30. Khối lượng hợp đồng giao dịch giảm -15,16% so với phiên trước, ở mức mức trung bình. Xu hướng ngắn hạn của VN30F2407 duy trì biến động trong vùng 1.300 - 1.320 điểm, với hỗ trợ gần nhất quanh 1306 điểm, tương ứng đường giá trung bình 20 phiên. Các kỳ hạn VN30F2408 VN30F2409 VN30F2412 chênh lệch từ -0,01 điểm đến 4,19 điểm so với VN30, độ lệch mở rộng theo hướng chênh lệch dương các kỳ hạn lớn cho thấy các trader ẫn khá lạc quan so với xu hướng của VN30. Khối lượng mở OI hôm nay là 55.227 tăng so với phiên trước.
CHIẾN LƯỢC ĐẦU TƯ
Sau 07 phiên liên tiếp tăng điểm, vượt lên vùng giá quanh 1.280 điểm. VN-INDEX đã gặp áp lực bán ngắn hạn khi tăng điểm lên vùng kháng cự mạnh quanh 1.300 điểm, tương ứng vùng giá cao nhất tháng 06/2024, cũng như vùng đỉnh tháng 8/2022. Kết phiên VN-INDEX giảm 7,77 điểm (-0,60%) về 1.285,94 điểm, khối lượng giao dịch giảm so với phiên trước, thể hiện áp lực điều chỉnh tương đối bình thường. Trong khi VN30 giảm 10,87 điểm (-0,82%) về mức 1.310,91 điểm và đang kiểm tra lại vùng giá cao nhất tháng 3/2024.
Ngắn hạn VN-INDEX sau khi hướng đến vùng giá 1.300 điểm, tương ứng với các vùng kháng cự mạnh trên, cũng như đường xu hướng ngắn trung hạn như đã đề cập trong nhiều báo cáo trước. Xu hướng ngắn hạn VN-INDEX vẫn tích lũy tích cực trong vùng 1.250 điểm -.1300 điểm và VN-INDEX đã gặp áp lực điều chỉnh lại vùng giá cân bằng của kênh tích lũy này quanh 1.275 điểm, tương ứng đường giá trung bình 20 phiên gần nhất. Áp lực điều chỉnh này là khá bình thường nhất là khi VN-INDEX đã có 07 phiên tăng điểm liên tục. Điểm tích cực là lực cầu gia tăng tốt ở nhiều mã/nhóm mã trong thị trường. Nhiều mã/nhóm mã vẫn phục hồi rất tốt sau điều chỉnh, nhiều mã vượt vùng đỉnh gần nhất, thanh khoản khá đột biến như trong nhóm cổ phiếu bất động sản trong phiên hôm nay.
Xu hướng trung hạn VN-INDEX vẫn tích lũy tích cực với biên độ hẹp dần trong vùng 1.245-1.255 điểm đến 1.300 điểm, nửa trên của kênh 1.180 điểm - 1.200 điểm đến 1.300 điểm, mở rộng lên 1.320 điểm. Trong đó 1.200 điểm là vùng giá cao nhất năm 2018, 1.300 điểm - 1.320 điểm là vùng giá cao nhất tháng 06, 08/2022. Điểm cân bằng của kênh tích lũy trung hạn là vùng 1.245 điểm - 1.255 điểm, tương ứng vùng giá cao nhất năm 2023.
Ngắn hạn chũng tôi cũng đã khuyến nghị nhà đầu tư hạn chế mua đuổi khi VN-INDEX hướng đến vùng giá 1.300 điểm, vì đây không phải vùng giá thực sự hấp dẫn. Nhà đầu tư ngắn hạn tiếp tục duy trì tỷ trọng hợp lý, tránh mua đuổi giá cao. Nhà đầu tư trung - dài hạn nắm giữ danh mục hiện tại, các vị thế xem xét gia tăng tỉ trọng mới, đánh giá cẩn trọng dựa trên kết quả kinh doanh quí II và triển vọng cuối năm của các doanh nghiệp đầu ngành.
Quý nhà đầu tư có thể tham khảo các mã cổ phiếu trong danh mục khuyến nghị đính kèm để có lựa chọn phù hợp.
|