Tóm tắt:
|
DIỄN BIẾN THỊ TRƯỜNG
VN-INDEX phiên giao dịch hôm nay có diễn biến trái ngược phiên trước khi đầu phiên chịu áp lực điều chỉnh về vùng 1.060 điểm với thanh khoản thấp, sau đó tăng điểm mạnh dần lên vùng giá 1.070 điểm -1.075 điểm với thanh khoản cải thiện tốt hơn dưới ảnh hưởng của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. VN-INDEX lấy lại điểm số giảm phiên trước, kết phiên tăng 7,87 điểm (0,74%) lên 1.068,31 điểm. HNX-INDEX tăng nhẹ 0,15 điểm (0,07%) lên mức 213,01 điểm. Độ rộng trên cả 2 sàn phục hồi tích cực khi tổng cộng có 282 mã tăng điểm (14 mã tăng trần), 242 mã giảm điểm (07 mã giảm sản) và 136 mã giữ giá tham chiếu.
Thanh khoản trên hai sàn niêm yết đạt 13.199,36 tỉ đồng giảm 11,48% so với phiên trước, trên mức trung bình. Trong đó thanh khoản đột biến mạnh ở nhiều mã trong nhóm dịch vụ tài chính, ngân hàng, nhưng suy giảm ở nhiều nhóm mã khác thể hiện mức độ phân hóa mạnh, phục hồi không đồng đều. Nhà đầu tư nước ngoài mua ròng phiên thứ hai liên tiếp trên HOSE với giá trị 104,03 tỉ đồng, trong đó tập trung mua ròng mạnh ở cổ phiếu HPG, tiếp tục mua ròng trên HNX với giá trị 31,09 tỉ đồng.
Thị trường có diễn biến tích cực trong phiên đáo hạn Phái sinh kỳ hạn tháng 05/2023 dưới ảnh hưởng của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn trong VN30 với nhiều mã tăng giá tốt, thanh khoản vượt mức trung bình như VIB (+3.13%), VHM (+3,00%), VCB (+2,37%), FPT (+1,72%), GAS (+1,20%)....
Nhóm cổ phiếu chứng khoán sau áp lực điều chỉnh phiên trước đã có diễn biến tích cực trở lại, nhiều mã vượt đỉnh cũ với thanh khoản đột biến mạnh như BVS (+5,91%), VCI (+5,28%), FTS (+4,76%), TVS (+3,81%)... trong khi VIX (-4,43%) giảm điểm trong phiên ATC.
Nhóm cổ phiếu dầu khí sau phiên sau áp lực điều chỉnh với thanh khoản giảm cũng phục hồi tăng điểm tích cực với thanh khoản cải thiện hơn như PVB (+9,59%), CNG (+3,04%), PVD (+2,05%), PVC (+1,22%)....
Nhóm cổ phiếu bất động sản phân hóa trái chiều, trong khi cổ phiếu đầu ngành VHM tăng điểm tốt thì đa số chịu áp lực điều chỉnh với thanh khoản thấp ngoài một số mã chịu áp lực bán mạnh đột biến như DIG (-6,97%), LDG (-5,21%)...
Các nhóm cổ phiếu khác như xây dựng, thép, hóa chất, phân bón, khu công nghiệp, điện.. đa số có diễn biến giao dịch không nhiều biến động trong phiên đáo hạn phái sinh.
Trên thị trường phái sinh, kỳ hạn VN30F2305 tăng mạnh 9,2 điểm (0,86%), mức chênh lệch dương 3,44 điểm so với VN30 trong phiên đáo hạn 18/05/2023. Các vị thế đầu cơ mới chuyển sang kỳ hạn lớn hơn VN30F2306 với khối lượng giao dịch đạt 24,870 đơn vị, thấp hơn khá nhiều so với khối lượng phiên đáo hạn trước đây cho thấy các vị thế đầu cơ vẫn đang xu hướng giảm. Các kỳ hạn VN30F2306, VN30F2309, VN30F2312 gia tăng mức chênh lệch lên từ -7,76 điểm đến -12.26 điểm. Trong đó kỳ hạn lớn hơn VN30F2312 tương đương VN30F2309 cho thấy các trader đang có kỳ vọng thị trường sẽ phục hồi ở vùng 1.056 điểm – 1.058 điểm, nhưng vẫn chưa lạc quan ngắn hạn.
NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG
VN-Index hồi phục tăng 7,87 điểm (+0,74%) và tiếp tục vượt lên đường hỗ trợ của kênh tích lũy và trên MA20, chúng tôi đã dự báo việc thị trường điều chỉnh và sẽ tiếp tục hồi phục trong các bản tin trước. Phiên hồi phục hôm nay có thể chưa xác nhận kết thúc điều chỉnh, tuy nhiên phát ra tín hiệu khá tích cực và với nền tảng tích lũy tốt thời gian qua, có thể kỳ vọng đà tăng của thị trường sẽ sớm trở lại.
Xét dưới góc nhìn ngắn hạn, VnIndex đang tiếp tục vận động trong sóng hồi. Xu hướng trung dài hạn của chỉ số duy trì đang chuyển đổi dần sang giai đoạn hậu tích lũy và có thể hình thành xu hướng tăng mới.
Với nhận định thị trường như trên, các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tận dụng các phiên điều chỉnh để giải ngân với tỷ trọng trung bình. Nhà đầu tư trung, dài hạn duy trì danh mục hiện tại sau khi đã mua vào như chúng tôi thường xuyên khuyến nghị thời gian qua và có thể xem xét gia tăng thêm tỷ trọng các cổ phiếu mục tiêu trong các nhịp điều chỉnh về vùng hỗ trợ của chỉ số.
Quý nhà đầu tư có thể tham khảo các mã cổ phiếu trong danh mục khuyến nghị đính kèm để có lựa chọn phù hợp!
|