Tóm tắt:
|
ĐIỂM NHẤN THỊ TRƯỜNG
Sau tuần giao dịch biến động mạnh dưới vùng kháng cự quanh 1.280 điểm, vùng đỉnh tháng 09/2022 và trên vùng giá 1.245 điểm -1.255 điểm tương ứng vùng giá cao nhất năm 2023. VN-INDEX trong phiên hôm nay đã bất ngờ chịu áp lực bán rất mạnh. Phiên sáng VN-INDEX giảm mạnh từ 1.270 điểm về 1.222 điểm, khối lượng giao dịch lập kỷ lục trong phiên sáng với hơn 01 tỷ cổ phiếu. Đây là khối lượng giao dịch trong phiên sáng cao nhất từ trước đến nay. VN-INDEX sau đó phục hồi trở lại dưới ảnh hưởng của nhóm cổ phiếu bất động sản. Kết phiên VN-INDEX giảm 20,22 điểm (-1,60%) về mức 1.243.56 điểm. HNX-INDEX giảm 2.86 điểm (+1,19%) về mức 236,68 điểm. Độ rộng thị trường tiêu cực khi áp lực bán gia tăng ở vùng đỉnh cũ, áp lực bán mạnh ở các mã, nhóm mã đã tăng nhiều với 532 mã giảm giá (11 mã giảm sàn), 161 mã tăng giá (11 mã tăng trần) và 113 mã giữ giá tham chiếu.
Giá trị khớp lệnh trên hai sàn niêm yết tăng mạnh với 46,964,12 tỉ đồng được giao dịch, vượt mức trung bình. Đây là giá trị giao dịch kỷ lục với khối lượng giao dịch của VN-INDEX tăng mạnh 60,23% so với phiên trước. Điều này cho thấy áp lực bán, chốt lãi ngắn hạn gia tăng rất đột biến ở nhiều mã/nhóm mã, nhiều mã nhóm mã đang có rủi ro phân phối ngắn hạn khá tương tự như nhóm cổ phiếu ngân hàng thời điểm đầu tháng 03. Khối ngoại cũng gia tăng mạnh giao dịch, tiếp tục bán ròng trên HOSE với giá trị 929,51 tỉ đồng, trong đó bán ròng khá mạnh ở nhóm cổ phiếu thép, ngân hàng; mua ròng trên HNX với giá trị 55,75 tỉ đồng.
Theo Nikkei Asia Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) dự kiến sẽ chấm dứt lãi suất âm khi hội đồng chính sách ngân hàng họp vào thứ Hai thứ Ba tuần này. Bước đi này sẽ đánh dấu lần tăng lãi suất đầu tiên kể từ tháng 2/2007 và được coi là bước ngoặt đối với chính sách tiền tệ. Việc BOJ chấm dứt lãi suất âm sẽ không chỉ ảnh hưởng đến các công ty và hộ gia đình mà còn cả dòng tiền toàn cầu.
Với áp lực bán mạnh, nhiều mã/nhóm mã sau giai đoạn tăng giá vượt trội so với thị trường chung đã chịu áp lực bán mạnh, thanh khoản gia tăng rất đột biến, thể hiện áp lực chốt lời mạnh như DTD (-6,45%), SZC (-6,22%), GVR (-5,92%), LHG (-5,41%) trong ngành bất động sản khu công nghiệp, cao su hay DGC (-6,93%), CSV (-6,75%) nhóm hóa chất, LAS (-9,35%), BFC (-6,90%), DPM (-4,53%) nhóm phân bón, ICF (-26,58%) IDI (-5,06%), ANV (-3,42%), FMC (-3,11%) nhóm thủy sản...
Nhóm cổ phiếu dịch vụ tài chính, chứng khoán sau giai đoạn tăng giá tốt, cũng chịu áp lực bán rất mạnh, thanh khoản gia tăng khá đột biến với hầu hết các mã đều giảm điểm chạm mức giá sàn trong phiên mới hồi phục nhẹ trở lại như AGR (-6,28%), BVS (-6,12%). FTS (-5,47%), CTS (-5,26%).... Các cổ phiếu ngân hàng tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh, thanh khoản gia tăng hơn sau khi có phiên phục hồi cuối tuần trước, đa số giảm điểm khá mạnh như CTG (-4,17%), ABB (-3,66%), MSB (-3,40%), TCB (-3,14%)... ngoài SGB (+3,60%), EIB (+3,08%)....
Nhóm cổ phiếu bất động sản phiên hôm nay ngược chiều với thị trường chung, nhiều mã tăng giá rất tích cực, thanh khoản gia tăng đột biến nổi bật như DIG (+6,84%) khớp lệnh kỷ lục, VRE (+6,99%) trước thông tin Vingroup thoái vốn Vincom Retail, QCG (+6,88%), TCH (+6,77%), SCR (+4,91%)....
Trên thị trường phái sinh, kỳ hạn VN30F2403 giảm 29,1 điểm (-2,31%), mức chênh lệch âm 4,84 điểm so với VN30. Khối lượng giao dịch tăng 17,37% so với phiên trước, vượt mức trung bình khi VN30 biến động mạnh. Xu hướng ngắn hạn kỳ hạn VN30F2403 đang kết thúc tăng trưởng và chuyển sang giai đoạn điều chỉnh, tích lũy trên vùng hỗ trợ gần nhất quanh 1.220 điểm, kháng cự 1.250 điểm. Các kỳ hạn VN30F2404, VN30F2406, VN30F2409 chênh lệch từ 1,86 điểm đến 4,96 điểm so với VN30. Các mức chênh lệch đảo ngược, cho thấy các trader đang kém lạc quan ngắn hạn đối với VN30.
CHIẾN LƯỢC ĐẦU TƯ
Thị trường giảm mạnh ngay trong phiên đầu tuần đúng với kịch bản vận động bất thường và nhiều rung lắc như chúng tôi liên tục cảnh báo, chốt phiên Vn-Index giảm -20,22 điểm (-1,60%) và đóng cửa ở 1.243,56 điểm. Thị trường vẫn đang trong giai đoạn diễn biến khó lường trong ngắn hạn, về trung hạn chúng tôi vẫn giữ quan điểm sau đà hưng phấn khả năng Vn-Index sẽ trở lại vận động trong kênh tích lũy 1.150 điểm - 1.250 điểm, với kịch bản tích cực hơn Vn-Index sẽ sớm lấy lại mốc 1.250 điểm nhưng vẫn vận động mang tính chất swing tích lũy trước ngưỡng cản 1.300 điểm.
Xét dưới góc nhìn ngắn hạn, thị trường đang trong giai đoạn biến động rung lắc bất thường nhưng lực cầu vẫn đủ mạnh để hướng đến hình thành nền tích lũy trước ngưỡng cản mạnh 1.300 điểm. Trong trường hợp tích cực Vn-Index nếu sớm lấy lại mốc 1.250 điểm trong các phiên tới thì khả năng Vn-Index tiếp tục tích lũy trước ngưỡng cản 1.300 điểm là có thể xảy ra. Trong kịch bản kém tích cực, khả năng thị trường đảo chiều bước vào giai đoạnh điều chỉnh ngắn hạn và vận động trong kênh 1.150 điểm - 1.250 điểm.
Về góc nhìn trung hạn Vn-Index đang có đà tăng mạnh nhưng đang vận động trên nền tích lũy chưa đủ dài và tin cậy nên khả năng thị trường hụt hơi sau nhịp tăng ngắn hạn là hoàn toàn có thể xảy ra. Nếu Vn-Index bước vào nhịp giảm thì vận động này cũng là vận động bình thường và phù hợp với ký vọng swing tích lũy, chúng tôi cho kênh tích lũy phù hợp sẽ là 1.150 điểm - 1.250 điểm hoặc 1.300 điểm.
Vn-Index có phiên điều chỉnh rung lắc mạnh đúng với bản chất vận động khó lường như chúng tôi đã cảnh báo, chúng tôi không khuyến nghị nhà đầu tư ngắn hạn tham gia tích cực ở giai đoạn hiện tại dù Vn-Index có thể tiếp tục nỗ lực phục hồi. Với nhà đầu tư trung, dài hạn, thị trường đang vận động trong nửa trên của kênh tích lũy và bắt đầu rung lắc khi gặp cản mạnh 1.250, nhà đầu tư trung dài hạn nếu bám sát các bản tin của chúng tôi thì gần như đã cơ cấu xong danh mục ổn định, ở vùng điểm số hiện tại cơ hội giải ngân trung dài hạn không còn nhiều và không hấp dẫn, do đó chúng tôi không khuyến nghị giải ngân ở giai đoạn hiện tại mà nên chờ đợi thị trường bước vào nhịp giảm ngắn hạn.
Quý nhà đầu tư có thể tham khảo các mã cổ phiếu trong danh mục khuyến nghị đính kèm để có lựa chọn phù hợp.
|