Tóm tắt:
|
THỊ TRƯỜNG TUẦN QUA
Sau 02 tuần giảm mạnh, VN-INDEX tiếp tục có tuần giao dịch biến động mạnh đột biến khi nửa đầu tuần tiếp tục chịu áp lực bán mạnh đến từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, VN-INDEX điều chỉnh về 1.020 điểm gần vùng giá thấp nhất đầu năm 2023 và bắt đầu phục hồi tốt trở lại. Kết thúc tuần VN-INDEX phục hồi tăng 1,52% lên mức 1.076,78 điểm với khối lượng giao dịch cải thiện nhẹ. HNX-INDEX có diễn biến tương tự kết thúc tuần ở mức 217,75 điểm vẫn giảm nhẹ 0,10% so với tuần trước.
Trong tuần thanh khoản trên HOSE đạt 67.983,41 tỉ đồng, giảm 3,44% so với tuần trước, khối lượng giao dịch tăng nhẹ, một số mã trong VN30 có khối lượng tăng đột biến như MWG, HDB. Thanh khoản tại HNX giảm 5,1% với 8.718,72 tỉ đồng được giao dịch. Nhà đầu tư nước ngoài gia tăng giao dịch và mua ròng với giá trị 197,02 tỷ đồng trên HOSE, mua ròng khá đột biến trên HNX với giá trị 415,87 tỷ đồng, trong đó nổi bật đột biến ở cổ phiếu SHS (283 tỷ đồng).
Trong tuần thị trường đón nhận nhiều thông tin CPI tháng 10/2023 tăng nhẹ 0,08% so với tháng trước. Bình quân 10 tháng năm 2023, CPI tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 4,38%. Tính chung 10 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 557,95 tỷ USD, giảm 9,6% so với cùng kỳ năm trước; Chỉ số PMI của ngành Sản xuất Việt Nam vẫn nằm dưới ngưỡng 50 điểm trong tháng 10, với PMI giảm về mức 49,6 so với 49,7 điểm của tháng 9. Kết quả này cho thấy sức khỏe của ngành sản xuất suy giảm tháng thứ hai liên tiếp; tin Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nhất trí giữ lãi suất chuẩn trong phạm vi 5,25% đến 5,5% từ tháng 7 đến nay. Đây là lần thứ 2 liên tiếp mà FOMC đưa ra quyết định này.
Áp lực bán ròng nhiều cổ phiếu trong VN30, nhất là nhóm bán lẻ là điểm nhấn nổi bật trong tuần, trong đó nhiều mã chịu áp lực bán mạnh đã phục hồi tốt như MSN (+10,55%), trong khi đó MWG (-7,26%) dù phục hồi trở lại trong 02 phiên cuối tuần những vẫn giảm khá mạnh, DGW (-3,60%), PET (-3,18%)...
Trong khi đó nhóm cổ phiếu xây dựng, vật liệu xây dựng lại có điểm nhấn tích cực hơn khi nhiều mã tăng giá tốt, thu hút dòng tiền, thanh khoản gia tăng trên mức trung bình như NNC (+8,81%), CII (+7,28%), CTD (+4,93%), HHV (+3,57%), FCN (+3,20%)... ngoài các mã vẫn giảm điểm với C69 (-13,16%), CTI (-8,33%), HBC (-4,83%), DHA (-3,71%), VLB (-2,17%)....
Các cổ phiếu bất động sản cũng có tuần giao dịch tích cực, thanh khoản cải thiện với đa số tăng điểm tốt, một số mã đột biến với NVL (+9,40%), CEO (+7,88%), SJS (+7,32%), DIG (+5,44%)... ngoài các mã vẫn giảm giá so với tuần trước như NLG (-5,60%), TDC (-5,49%), PDR (-3,84%), NTL (-2,45%)...
Trong khi các cổ phiếu ngân hàng phân hóa hơn, đa số giao dịch với thanh khoản suy giảm dưới mức trung bình, một số mã có diễn biến tích cực, thanh khoản cải thiện tốt như OCB (+11,20%), MSB (+8,13%), NAB (+7,52%), HDB (+6,38%)... ngoài các mã giảm giá SSB (-4,89%), VAB (-4,35%), VPB (-1,98%)... .
Thị trường phái sinh trải qua tuần biến động mạnh, kỳ hạn VN30F2311 kết tuần ở mức 1.087,0 điểm, mức chênh lệch dương 0,81 điểm so với VN30, thanh khoản trên mức trung bình, thể hiện hoạt động đầu cơ mạnh khi thị trường biến. Các kỳ hạn lớn hơn VN30F2312, VN30F2403, VN30F2406 chênh lệch từ 2,71 điểm đến -7,09 điểm, cho thấy các trader đang lạc quan về xu hướng ngắn hạn của VN30, có thể dịch chuyển về thị trường cơ cở và phòng ngừa rủi ro ở các kỳ hạn lớn
NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG
Thị trường có tuần phục hồi sau 2 tuần giảm điểm mạnh, dù đà hồi phục trong tuần không mạnh nhưng giúp Vn-Index không trở lại xu hướng downtrend và đem lại khả năng VnIndex sớm tiến đến khu vực cân bằng để tích lũy lại. Chốt tuần Vn-Index đóng cửa ở 1.076,78 điểm (+16,16 điểm, -1,52%). Thị trường vẫn đang vận động lỏng lẻo và sẽ cần nhiều thời gian để tìm đến khu vực cân bằng cho quá trình tích lũy, với trạng thái hồi phục kỹ thuật sau khi Vn-Index rơi vào trạng thái quá bán mạnh chúng tôi kỳ vọng sóng hồi sẽ hướng tới vùng cân bằng trên 1.100 điểm, trường hợp thiếu tích cực thì vùng tích lũy mới của Vn-Index trong khoảng 1.000 điểm - 1.100 điểm là hoàn toàn khả dĩ.
Về tình hình vĩ mô, nhìn chung các hoạt động kinh tế trong nước thường diễn biến sôi động nhất trong quý cuối năm, bức tranh kết quả kinh doanh quý 3 của các doanh nghiệp niêm yết cũng đang cho tín hiệu tích cực trở lại, Fed và ECB dừng tăng lãi suất tuy vậy vẫn còn duy trì ở mức cao và chưa rõ về lộ trình giảm, những bất ổn địa chính trị trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp khiến cho giá năng lượng khó lường trong khi mùa đông đang tới gần qua đó có thể tác động tới tình hình lạm phát toàn cầu. Với tình trạng vĩ mô hiện tại nếu thị trường tìm đến điểm cân bằng và tạo nền tích lũy chờ động thái chuyển động vĩ mô tiếp theo cũng là vận động phù hợp.
Thị trường trong ngắn hạn đang vận động lỏng lẻo nhưng nhịp hồi phục đã hình thành như chúng tôi dự báo, nếu tuần tới VnIndex tiếp tục hồi phục nhà đầu tư ngắn hạn có thể tham gia giải ngân với quan điểm thận trọng bởi nhịp hồi không phải là xu hướng uptrend tiếp diễn nên sẽ có thể kết thúc bất kỳ thời điểm nào. Trong trung, dài hạn thị trường dù mất xu hướng uptrend nhưng sẽ đi tìm điểm cân bằng mới và tích lũy lại nên rủi ro trung dài hạn thấp. Thị trường đã trở lại nền tích lũy cũ và mặt bằng giá đã trở lại vùng hấp dẫn do đó nhà đầu tư dài hạn có thể xem xét giải ngân ở mặt bằng giá hiện tại, hướng giải ngân nên lựa chọn các cổ phiếu đầu ngành có nền tảng cơ bản tốt, các cố phiếu có tiềm năng tăng trưởng ổn định đang vận động trong trạng thái tích lũy hiện nay.
Quý nhà đầu tư có thể tham khảo các mã cổ phiếu trong danh mục khuyến nghị đính kèm để có lựa chọn phù hợp!
|